Do việc sản xuất của các hộ đều tại nhà nên việc quản lý chất lượng đầu ra của sản phẩm không được kiểm soát, có hộ sản xuất chạy theo lợi nhuận trước mắt đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. Bởi vậy, hơn lúc nào hết người dân làng rèn Đa Sỹ đang từng ngày mong ngóng có được khu sản xuất tập trung để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết ô nhiễm môi trường?!…
Nghề phụ nay trở thành nghề chính
Làng Đa Sỹ thuộc Phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông (Hà Nội) là địa phương có nghề rèn truyền thống lâu đời. Nghề rèn được bà con trong làng nâng niu, nối truyền từ đời này qua đời khác và phát triển cho tới ngày nay.
Khoảnh hiên nhỏ trước cửa nhà cũng là nơi sản xuất. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Sản phẩm chính của làng rèn Đa Sỹ là dao, kéo, tràng, bào, đục và các loại đồ gia dụng bằng kim khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống hàng ngày của người dân.
Trước đây, nghề rèn Đa Sỹ chỉ là nghề phụ tại địa phương đứng sau sản xuất nông nghiệp, nhưng từ năm 2005 do tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án, nhiều gia đình bị thu hồi hết đất sản xuất hoặc còn lại rất ít nên nghề rèn đã trở thành nghề cho thu nhập chính của các hộ gia đình. Nhiều gia đình trước đây không làm nghề, nhưng do không còn đất canh tác phải chuyển sang làm rèn để duy trì cuộc sống. Được các cụ có tay nghề cao sẵn sàng truyền dạy lại cho con cháu, nên đến nay, toàn thôn có trên 70% số hộ dân trực tiếp làm nghề rèn, khoảng 70 hộ phục vụ sản xuất như sắt, thép, than, cán hay làm đại lý bao tiêu và bán các sản phẩm do làng nghề làm ra. Số còn lại các hộ làm các dịch vụ cung cấp vật tư, thiết bị, phục vụ làng nghề.
Diện tích chật hẹp – khó đầu tư phát triển sản xuất và ô nhiễm môi trường
Với số hộ làm nghề đông, và tất cả các hộ đều sản xuất ngay tại trong gia đình nên diện tích dành cho sản xuất rất chật hẹp, môi trường sinh hoạt ngày càng bị ảnh hưởng bởi khói, bụi, tiếng ồn. Rất nhiều hộ diện tích dùng làm nơi sản xuất chỉ dưới chục m2, như hộ ông Hoàng Văn Nam (tổ 7), Nguyễn Văn Khà (tổ 8), Hoàng Văn Mùi (tổ 8)…
Vừa là lối đi, vừa là nơi mài dao kéo. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hầu hết các hộ sản xuất đều mong muốn được mở rộng sản xuất, thuê mướn thêm nhân công, đầu tư búa máy…Nhưng do diện tích quá chật chội, nên trong làng có hơn 700 hộ trực tiếp sản xuất thì chỉ có hơn 75 hộ đầu tư được búa máy, còn trên 600 hộ rèn thủ công. Ngoài diện tích thiết yếu dùng để sinh hoạt hàng ngày ra thì hầu như mọi chỗ trong khuôn viên gia đình đều được tận dụng làm nơi sản xuất như sân, lối đi, cửa nhà... Hiện nay, đại đa số các hộ đều có nhu cầu thuê thêm lao động nhưng chỉ có vài hộ như gia đình ông Nguyễn Văn Tý (tổ 7), ông Đinh Công Đoán (tổ 4) mới có chỗ để thuê thêm mấy người làm với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng (tùy theo tay nghề của mỗi người) mỗi tháng.
Bình quân đối với các hộ sản xuất thủ công có thu nhập hàng tháng khoảng 10 - 12 triệu đồng, đối với các hộ sản xuất có búa máy thì cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng hàng tháng.
Tại khu nhà xưởng của anh Đinh Công Tuấn (tổ 4) rộng chừng 40 m2, là khu làm việc của 8 người với 01 lò than luôn rực hồng, búa máy, máy mài dao kéo và các bao than luôn được chuẩn mở sẵn sàng tiếp nhiên liệu, …Cho nên lối đi cũng được tận dụng làm nơi sản xuất các chi tiết giản đơn như nắm gỗ, mài thủ công. Nhà xưởng nằm vuông góc áp với nhà ở, nên cửa sổ cửa chính luôn được đóng kín để che bớt bụi bặm và tiếng ồn. Thế nhưng trong nhà chỗ nào cũng có bụi sắt, lớp kính cửa sổ bị mạt sắt găm kín hoen ố bụi vàng, khoảng sân nhỏ được trồng mấy chậu cây xanh nhưng lá cũng phủ một màu đen sạm; còn nước thải sản xuất của làng nghề đều được xả thẳng xuống cống thoát nước cuốn theo cả mạt sắt – anh Tuấn than thở.
Dừng tay vào nhà rót nước mời khách, anh Tuấn cho biết thêm, giáp tết vừa rồi anh đã mua búa máy 75 về để thay cho búa máy 50 đang dùng, nhưng do không có chỗ nào đặt vừa anh đành phải để lại cho người khác. Theo anh, xưởng cần rộng từ 150 – 200 m2 để có khoảng trống cần thiết bảo đảm an toàn cho nơi để bình ga, bình oxy và khoảng cách giữa các khâu sản xuất. Do vậy, anh bày tỏ mong muốn điểm sản xuất tập trung làng nghề càng sớm đưa vào hoạt động ngày nào thì bà con làng nghề được lợi từ ngày ấy.
Nơi sản xuất của gia đình ông Thúy (tổ 4) chính là khoảng trống duy nhất ngay trước cửa nhà rộng chừng 10 - 11m2. Căn nhà ống được xây cất khang trang, nhưng trước cửa luôn đem ám bụi bặm và ngổn ngang bởi bễ rèn, tải than, sắt thép và những con dao mới cho ra lò. Cho nên cũng như các gia đình khác cánh cửa chính nhà ông lúc nào cũng đóng im ỉm, ông còn cẩn thận dùng giẻ chèn các khe nhỏ để hạn chế mạt sắt và khói lùa vào. Với 30 năm trong nghề, ông có thể đánh được tất cả các loại dao lớn nhỏ, nhưng do sản xuất thủ công nên vợ chồng ông chỉ sản xuất dao nhỏ (dao thái) các loại, còn dao rựa (dao chặt) thì phải có búa máy, mà búa máy thì phải đợi đến khi nào được ra nơi sản xuất tập trung ông mới có đủ diện tích cần thiết để đầu tư được búa máy?!.
Mạt sắt bay ra đen sạm cả đường làng. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Đi theo các lối nhỏ trong làng đâu cũng vang tiếng búa thình thịch, tiếng bễ quay, tiếng mài dao kéo râm ran thoạt nghe thì cũng thấy vui tai nhưng đó là cảm nhận của du khách, còn đối với bà con ở đây thì mớ âm thanh hỗn độn này ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của dân làng và họ đang rất thèm những khoảnh khắc êm đềm trong trẻo như những làng ven đô khác. Rất nhiều hộ đem dao kéo ra bậu cửa ngay nhà sát lối đi chung của làng để mài dũa, mạt sắt bay ra đem sạm cả mặt đường. Cô Trịnh Thị Quang – Hiệu trưởng trường THCS Kiến Hưng cho biết, do tiếng ồn của làng nghề nên hầu như tai em nào cũng bị ảnh hưởng, gây khó khăn đến việc tiếp thu bài giảng và đặc biệt là khả năng học ngoại ngữ.
Mặt khác, do việc sản xuất của các hộ đều tại nhà nên việc quản lý chất lượng đầu ra của sản phẩm không được kiểm soát, có hộ sản xuất chạy theo lợi nhuận trước mắt đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. Bởi vậy, hơn lúc nào hết người dân làng rèn Đa Sỹ đang từng ngày mong ngóng có được khu sản xuất tập trung để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết ô nhiễm môi trường?!…
Đã trễ gần 6 năm, nhưng chưa biết đến bao giờ mới đưa vào sử dụng?!
Điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 03121000194 cho Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội thực hiện dự án vào ngày 13/02/2008. Theo đó, đến tháng 6/2009 dự án phải hoàn thành và đến tháng 7/2009 bàn giao hạ tầng cho UBND quận Hà Đông. Mặc dù dự án đã chậm tiến độ gần 6 năm trời và UBND quận đã nhiều lần tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm bàn giao đất cho nhân dân xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất làng nghề, nhưng Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội vẫn chưa triển khai thi công xây dựng được bất cứ hạng mục nào của dự án. Hơn thế, đến nay UBND quận Hà Đông đã 03 lần thể hiện nội dung trong văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội giao cho UBND quận Hà Đông tiếp tục thực hiện dự án. Cụ thể:
Ngày 07/12/2010 UBND quận có Báo cáo số 280/BC-UBND báo cáo UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ; trong đó có nội dung đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội và giao cho UBND quận Hà Đông tiếp tục thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ.
Phía sau dòng chữ là 13,09 ha bờ xôi ruộng mật của bà con bị bỏ hoang hóa
gần 6 năm trời, mặc cho cỏ dại hoành hành, vẫn từng ngày đợi chờ dự án triển khai ?!.
Ảnh: Phạm Quỳnh.
Ngày 07/3/2011 UBND thành phố Hà Nội có văn bảo số 1525/UBND-CT về việc triển khai xây dựng hạ tầng điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ, quận Hà Đông. Tại văn bản này, UBND thành phố có ý kiến “Chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội triển khai thi công ngay phần diện tích đã được bàn giao”. “Đến hết tháng 6/2011, UBND thành phố sẽ tổ chức họp với các ngành có liên quan, UBND quận và chủ đầu tư để kiểm điểm việc thực hiện dự án, nếu không có chuyển biến tích cực về tiến độ đầu tư, xây dựng sẽ quyết định chính thức theo đề nghị của UBND quận Hà Đông”.
Đến ngày 28/3/2011, Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội có văn bản số 179/CV-CT3, văn bản trên có nội dung “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại văn bản số 1525/UBND - CT, bắt đầu từ ngày 06/4/2011 công ty sẽ tiến hành tổ chức thi công một số hạng mục của dự án”. Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra hiện trạng dự án ngày 16/8/2011 của Liên ngành quận Hà Đông cho thấy Công ty cổ phần số 3 Hà Nội chưa tổ chức thi công dự án theo nội dung cam kết. Liên ngành đã thiết lập hồ sơ, biên bản hiện trạng dự án.
Ngày 26/8/2011, UBND quận Hà Đông có văn bản số 1345/UBND-KT về việc đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng HTKT điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ của Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội gửi UBND thành phố. Tại văn bản nêu trên UBND quận tiếp tục đề nghị UBND thành phố và các Sở, ngành có liên quan “Giao cho UBND quận làm chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ”.
Ngày 05/01/2012 UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 86/UBND-CT. Tại văn bản nêu trên, UBND thành phố có ý kiến “Chấp thuận về chủ trương đề xuất của Sở hoạch và Đầu tư: Tiếp tục giao Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội triển khai xây dựng HTKT điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công”.
Trước thực trạng dự án triển khai chậm trễ, đất đai để hoang hóa lãng phí, bà con làng nghề đang từng ngày mong mỏi, ngày 20/6/2012 Hiệp hội làng nghề rèn Đa Sỹ có Đơn kiến nghị gửi Thành uỷ, UBND thành phố, Sở Công thương và Sở Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng thành phố tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Ngày 21/5/2014, UBND quận có Thông báo kết luận hội nghị số 269/TB-UBND, tại văn bản nêu trên UBND quận yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, căn cứ tình hình thực tế của công ty có văn bản trả lời UBND quận về việc có tiếp tục thực hiện dự án hay không?
Ngày 23/7/2014, UBND quận có Thông báo kết luận hội nghị số 410/TB-UBND, tại văn bản nêu trên UBND quận yêu cầu công ty có văn bản báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án về UBND quận trước ngày 29/7/2104, tuy nhiên đến ngày 06/8/2014 UBND quận Hà Đông mới nhận được văn bản số 142/CV-CT của Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội về việc thực hiện dự án: Hạ tầng kỹ thuật làng nghề Đa Sỹ, phường Kiến Hưng. Theo đó, Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội báo cáo tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư rất chậm, không thực hiện theo các nội dung mà quận Hà Đông họp chỉ đạo và kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án, đồng thời không có quan điểm khẳng định về năng lực để tiếp tục làm chủ đầu tư dự án.
Để đảm bảo ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương, tại văn bản số: 1426/UBND - TCKH ngày 14/8/2014, UBND quận Hà Đông thêm một lần nữa (lần thứ 3) kính đề nghị UBND thành phố Hà Nội và Sở Kế hoạch & Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội, giao cho UBND quận Hà Đông làm chủ đầu tư để thực hiện dự án điểm tiểu thủ công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ bằng nguồn vốn đầu tư thu của các hộ được giao đất tại làng nghề Đa Sỹ và nguồn huy động hợp pháp khác. Nhưng cho đến thời điểm này, UBND thành phố Hà Nội và Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng chưa có thêm ý kiến, chỉ đạo.
Tuy đã “lỡ hẹn” với bà con làng nghề gần 6 năm, nhưng cho đến nay dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm công nghiệp làng nghề rèn Đa Sỹ rộng 13,09 ha vẫn chỉ là bãi đất hoang vắng, mọc đầy cỏ dại và được che chắn bởi lớp tôn xanh ?!.
Nguồn tin: thanhnienviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn